Sunday, April 26, 2009

Đại lễ Phật Đản PL. 2550

Đại lễ Phật Đản PL. 2550 (Rằm Tháng Tư Âm Lịch) In E-mail
Người viết Trần Trọng Khoái
ngày 02, tháng 09, năm 2006
ImageThập phương chư Phật, chư Đại Bồ Tát vì lòng bi mẫn đối với sinh linh vạn loại, nên các Ngài thường tùy duyên thị hiện để thuyết pháp độ sanh khắp 3 cõi 6 đường. Một trong những vị Phật đã hiện diện trên tinh cầu của chúng ta là Đức Thích Ca Mâu Ni, đản sanh vào mùa trăng tròn tháng Vesak tại hoa viên Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ miền Bắc Ấn, ứng với mùa trăng lên tháng 4 nông lịch, đương thời nhằm ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp Dần thời Châu Chiêu vương, 624 năm trước Tây lịch.

Bởi lẽ đó nên từ thuở xa xưa, Phật Giáo Á Đông cử hành Lễ Phật Đản ngày 8 tháng 4 Âm lịch. Cận lai khi giao tiếp với các quốc gia phật Giáo khắp năm châu, Hội Phật Giáo Thế Giới đã nhất tâm chấp nhận tổ chức Đại Lễ Phật Đản theo nguyên thủy, ứng vào ngày Rằm Tháng Tư âm lịch và lá cờ 5 sắc tổng hợp các hào quang vi diệu của chư Phật, chư Bồ Tát, vừa tượng trưng cho các sắc dân, chủng tộc của nhân loại quần sanh làm Phật Giáo Kỳ. Điều này là một trùng hợp tốt đẹp về văn hóa Á Đông, bổ túc cho 3 ngày rằm đầu mùa gọi là TAM NGUYÊN có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Trung Quốc và ngày rằm đầu mùa hạ là ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN.

- Thượng Nguyên Thiên Quang Tứ Phước: Rằm Tháng Giêng, cầu an lành cho nhân sinh trong năm rộng tháng dài.
- Phật Đản: Rằm Tháng Tư, kỷ niệm đản sinh của đấng Đại Giác Thế Tôn, người hoằng khai một tôn giáo lớn, lưu di tam tạng giáo điển, phổ biến khắp tinh cầu, được thế nhân ngưỡng vọng tôn vinh.
- Trung Nguyên Địa Quan Xá Tội: Rằm Tháng Bảy, trùng hợp với Đại Lễ Vu Lan báo hiếu, tưởng niệm tổ đức tông công, đa sanh phụ mẫu, báo đáp thâm ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ; phổ độ chúng sinh, âm dương lợi lạc.
- Hạ Nguyên Thủy Nhạc Thần Kỳ: Rằm Tháng Mười, cầu giang san bền vững, gió thuận mưa hòa, mùa nước lớn vừa phải để ruộng vườn tốt đẹp, hòa cốc phong đăng, nhân vật phồn vinh thịnh lợi...

Hôm nay xuân thiên giai tiết đã qua, nhiều cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những hồ sen bạt ngàn nở hoa thơm ngát; đâu đây những già lam thánh địa, lắm tự viện tòng lâm đang chuẩn bị hoa đăng, phan cờ rực rỡ đón mửng mùa Phật Đản sẽ trở về với nhân loại quần sanh. Chúng tôi xin sưu tầm và sơ lược đôi điểm, viết về lịch sử của Như Lai Thế Tôn và ý nghĩa Lễ Phật Đản cống hiến chư độc giả, đồng hương tường lãm gọi là góp phần vào niềm vui chung của nhân sinh khắp nơi trên trái đất.

Thế nhân thường kỷ niệm ngày sinh gọi là sinh nhật. Người Á Đông vốn tôn trọng chư vị giáo chủ các tôn giáo, các bậc cao hiền thánh triết, nên dùng từ đản sinh, giáng sinh, thị hiện, ứng thế ... khi nói về ngày sinh các Ngài với hậu ý tôn vinh chư vị là hàng xuất thế gian, thường tùy nghi ứng hiện trong nhân thế để phổ độ sinh linh. Thời quân chủ có từ "vạn thọ" để chúc tụng các bậc lãnh đạo anh minh, giữ kỹ cương trị nước an dân được dài lâu bền vững, dần dần "vạn thọ" được biến nghĩa là sinh nhật của vua chúa.

Từ 2630 năm trước, đóa hoa Ưu Đàm nghìn năm một thuở, đã hé nở lúc bình minh tại hoa viên Lâm Tỳ Ni miền Bắc Ấn, đồng thời với muôn hoa đua nở trong vườn ngự. Khi Hoàng Hậu Ma Gia và đoàn tùy tùng vào đây ngơi nghỉ trên đưòng về quê hộ sản. Từ không trung, tường vân xuất hiện, chim chóc reo mừng, chư thiên rải hoa cúng dường đấng Đại Giác Thế Tôn Đản Sinh dưới dạng thức một hài đồng tuấn tú nhất trần gian: Thái Tử Tất Đạt Đa ra đời. Trong tình người, sự hiện hữu của Thái Tử là một đại hạnh cho triều đình Vua Tịnh Phạn và thần dân xứ Ấn Độ lúc bấy giờ. Bởi lẽ nhà vua tuổi tác đã cao, là đấng minh quân từ hòa đức độ, Hoàng Hậu Ma Gia là bậc mẫu nghi thiên hạ, nổi tiếng hiền lương nhân hậu, sẵn lòng kính hiền trọng đạo, yêu nước thương dân, nhưng chưa có người kế vị khi cần. Do đó nên khi Hoàng Hậu hoài thai, triều đình Vua Tịnh Phạn thường thi ân bố đức cho muôn dân, dùng chính sách khoan hòa vương trị để an bang tế thế, nên được các lân quốc kính yêu thần phục. Vậy nên tin mừng Hoàng Hậu sanh hoàng nam phi báo về triều, lập tức một đoàn rước được thành lập, để lên đường đón Thái Tử về cung với sự tháp tùng của đông đảo thần dân bá tánh tung hô vang dậy. Thái Tử nhập cung trong sự hân hoan của Phụ Hoàng, Mẫu Hậu và văn võ bá quan, nhất là Vua Tịnh Phạn, thấy con trẻ khôi ngô liền hạ lệnh hợp thức hóa việc phong Thái Tử và đặt tên là Tất Đạt Đa. Người ra lệnh cho treo đèn kết hoa khắp hoàng thành và cho tổ chức những buổi hoan ca mừng Thái Tử Đản Sanh, tiếp theo là ban hành lệnh giảm thuế khóa, phóng thích phần lớn tội nhân...

Thời điểm muôn dân chuẩn bị đón chào Thái Tử về cung, thì Đạo sĩ A Tư Đà đang tu nơi thâm sơn cùng cốc cũng đến mừng bậc hiền nhân xuất hiện. Được tin vị Đạo sĩ xin triều kiến, nhà Vua vui mừng đón tiếp, thoạt nhìn Thái Tử, ông ta sụp lạy bậc anh nhi có một không hai trên đời, rồi cảm kích rơi lệ! Được vua quan gạn hỏi, Đạo sĩ trả lời: 32 quý tướng trên người Thái Tử cho chúng ta thấy nếu ở đời Người sẽ làm vị Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia tu hành sẽ thành Phật. Tôi rất ân hận tuổi già chồng chất, sẽ không được vinh hạnh nhìn thấy sự nghiệp hiển hách của bậc siêu phàm xuất thế! Lời tiên đoán của Đạo sĩ A Tư Đà, nhà vua rất mừng rỡ, nhưng cũng không khỏi lo âu khi con phượng hoàng đủ điều kiện sẽ tung cánh bay xa giữa trời cao biển rộng, đâu có chịu quẩn quanh trong phạm trù chật hẹp giữa quốc, thành, thê, tử theo quan niệm thế nhân, trong khi tâm nguyện của bậc làm cha mẹ thì mong muốn cho con được an lành khỏe mạnh, luôn gần gũi và theo ý mình trong việc tề gia xử thế. Bởi lẽ Mẫu Hậu Ma Gia từ trần mấy hôm sau khi hạ sanh Thái Tử, nên vua Tịnh Phạn và triều đình đã tuyển 32 cung nữ dưới sự điều khiển của bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng chu đáo và tăng cường ngự ý để bảo vệ sức khỏe cho Thái Tử, cốt sao cho Thái Tử vui sống êm đẹp hồn nhiên trong tuổi ấu thơ.

Thời gian dần trôi, Thái Tử lớn lên trong niềm thương yêu, ước muốn của nhiều người. Khi người lên 5, lên 7, cho đến 12 tuổi, các danh sư khắp nơi được mời vào cung lo việc giáo dục về nhiều phương diện: Dưỡng sinh, nghi lễ, văn hóa, xã hội, chú thuật, binh pháp... Đến tuổi trưởng thành, Thái Tử được truyền dạy về binh thư võ nghệ, hầu trở nên trang thanh niên tuấn tú, văn võ toàn tài, có thể kế vị phụ vương mai hậu. Qua sử sách ghi chép, Thái Tử rất lễ độ với mọi người, kính thầy, hiếu học, tư chất thông minh, có thể những tinh hoa tiềm ẩn trong nhiều đời nhiều kiếp, giờ gặp thuận duyên phát triển, nên Thái Tử học đâu biết đó, các bậc thầy phải thán phục Thái Tử là mầm non tuấn kiệt, là hương hoa của đất nước, võ dũng vô song... Giai đoạn này triều đình lại hiến kế tuyển người đẹp ca múa trong cung thường xuyên làm cho Thái Tử vui, ràng buộc Thái Tử trong nếp sống hào hoa vương giả, để quên đi những gì khác lạ cao xa, vượt khỏi thế gian thường tình. Có thể tình đạo nhiệm mầu, hay tình thương sinh linh vạn loại đã phát hiện trong con người từ hòa đức độ, nên bản tánh Thái Tử bình dị tự nhiên, không muốn điềm nhiên tọa hưởng cảnh phú túc vinh hoa cho riêng mình, mà thường suy tư trầm mặc về lẽ sống của con người và vạn vật. Thậm chí con nhạn phải tên do một Hoàng thân bắn trúng, Người xót xa thương mến, vỗ về và săn sóc thuốc men. Do đó nhà Vua và triều thần nghĩ cách ép buộc Người trong tình cảm thê nhi, cũng là lúc Vua Thiện Giác thành Thiên Tý kén Phò Mã cho Công chúa Da Du Đà La (Yosodhara) bằng cách mời các Hoàng Tử, Vương Tôn tỷ thí trên thao trường. Với thể diện của một cường quốc đương thời, với tài thao lược vô song, Thái Tử Tất Đạt Đa đã kéo cây cung rất nặng, bắn mũi tên vào đích tỷ thí, rồi Người tuốt gươm thiêng, chém ngã một thân cây to lớn trồng giữa sân, với tiếng reo hò vang dậy cả thao trường! Trên khán đài, Vua Thiện Giác và quan quân vỗ tay tán thưởng, trong khi Công chúa Da Du Đà La vui mừng quàng vòng hoa, ngụ ý hiến tặng quả tim mình cho Thái Tử Tất Đạt Đa, lúc Người còn độ tuổi thanh xuân.

Khi có Hoàng Tôn là La Hầu La, Tịnh Phạn Vương an tâm về việc Thái Tử sẽ lưu luyến với thê nhi để lo việc trị nước an dân, trong khi Thái Tử Tất Đạt Đa thấy duyên nghiệp xong xuôi, hiếu tình trọn vẹn, nên có thể nhẹ bước trên đường vân du học đạo, mong thành tựu đại sự nhân duyên "cứu khổ độ sanh" trường tồn miên viễn.

Thái Tử luôn thao thức, cố tìm hiểu thực trạng của cuộc sống, chứ không muốn quanh quẩn nơi hoàng cung, tiêu hao tháng ngày trong nếp sống ước lệ của hàng vương giả khắp nơi. Do sự khẩn khoản cầu xin, lần đầu Thái Tử được theo phụ vương dự lễ hạ điền, Người thấy bất cứ ai hễ động chân cất bước là gây sự phiền hà khổ lụy; giành giật hơn thua! Trước mắt người và vật phải vất vả khó khăn mới kiếm được thức ăn, vật dụng, luống đất được cày xới, côn trùng phải giẫy giụa đau thương, chim chóc cắn mổ nhau giành mồi. Ấn tượng "đời là khổ" in đậm nét trong tâm tư người hiền lương xuất thế. Rồi những lần vi hành kế tiếp, Ngài thấy những cảnh già, bệnh, chết đè nặng trên thân phận con người và sinh vật. Lần cuối cùng, Ngài gặp vị Sa môn với tâm hồn thanh thoát, nên ý niệm xuất gia được khơi nguồn trong tâm tư Thái Tử. Ngài chủ động ra đi tức là đã sẵn định hướng, khác với sự nhắm mắt đưa chân của người hùng mạt lộ, hay sự xuất bôn của hàng vua chúa khi kinh thành bị tấn công vây khổn, mạng sống của họ tợ chỉ mành treo chuông!

Vào đêm trăng ứng với tháng hai nông lịch, sau buổi dạ yến linh đình trong hoàng cung, mọi người đều mê mệt say sưa với đủ thứ cám dỗ trên đời, Thái Tử đi quanh một vòng, ngắm nhìn những người thân, rồi đánh thức Xa Nặc, người hầu cận trung thành, thắng ngựa Kiền Trắc, trực chỉ về hướng Hy Mã Lạp Sơn, trong lúc quân canh còn mê ngủ. Đến sông A Mô Na, Ngài xuống ngựa lấy gươm cắt tóc, cùng hoàng bào và những gì còn mang theo, giao cho Xa Nặc mang
về dâng lên Phụ vương và trao về Công chúa, xin cho Thái Tử hoàn thành ý niệm "Xuất gia tầm đạo, cứu khổ độ sanh". Thế rồi một thân một mình, Ngài đổi áo cho người thợ săn, đoạn tuyệt nếp sống vương giả, khoác chiếc áo hoại sắc, dấn thân tầm đạo nơi thâm sơn tuyết lãnh! Xuất gia tầm đạo với bi nguyện độ sanh đã thể hiện tinh thần Bi - Trí - Dũng của vị Hoàng Tử giàu cương nghị tài ba xuất chúng.

Qua nhiều cuộc thử thách cam go, sau sáu năm khổ hạnh rừng già và bảy thất nghiêm tinh thiền tọa tại gốc cây Bồ Đề, Ngài đã thắng lướt được nội ma ngoại chướng, hàng phục được ma quân thần quyền, rồi một đêm trăng ứng vào thượng tuần tháng 12 Âm lịch, Ngài hoát nhiên đại ngộ, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề vào lúc sao mai mọc, thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Thái Tử Tất Đạt Đa từ hàng nhân giả thượng lưu, xuất gia tu hành theo nếp sống của giới tu sĩ, rồi Ngài chứng quả vị Phật Đà Đại Giác. Ngài là bậc đạo sư của hàng nhân thiên, là từ phụ của tứ sanh, qua phong độ bình dị tự nhiên và lối sống uy nghi tĩnh thức giữa cõi thế phù trầm mộng huyễn. Cuộc đời Ngài đã chứng minh đức hạnh "đại hùng, đại lực, đại từ bi", nên Phật Giáo không mang tính chất bi quan, yếm thế, trái lại Đạo Phật đã tận dụng tình yêu thương đối với hận thù, dùng từ bi, hỷ xả để hàng phục đố kỵ và cố chấp, dùng bình dị, tự do để san bằng giai cấp thống trị. Chủ trương của nhà Phật là tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm qua lời Phật dạy: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" chẳng những nâng cao phẩm cách con người mà còn mở rộng lòng
thương đối với sinh linh cầm thú.

Theo thỉnh nguyện của tôn già A Nan, bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và phái đoàn nữ lưu của hoàng cung được chấp nhận vào giáo hội. Tăng đoàn của Phật lúc bấy giờ đã có bình quyền giữa nam, nữ, lão, thiếu và không phân biệt giai cấp từ thuở xa xưa. Giáo lý của Phật là tự giác, giác tha, qua gương sáng xuất gia tầm đạo của Ngài. Khi thành Phật, Ngài vẫn áo vải chân đất, dấn thân khắp các nẻo đường đất nước để thuyết pháp độ sanh, không phân biệt giai cấp chủng tộc gần nửa thế kỷ, để lại cho đời kho tàng quý báu đủ mọi lãnh vực, có giá trị siêu việt, xuyên qua không gian và thời gian.

Từ xưa sau, hàng thức giả và ngành khoa học trên thế giới không ngớt lời tán dương trọng vọng, các đấng Quân Vương xây đài kỷ niệm khắp nơi; Đức Khổng Phu Tử, nhà đại văn hào Á Châu tôn xưng Như Lai là bậc Đại Thánh; đến Bertrand Russel; Tiến sĩ Radhakrishnan; Tiến sĩ Graham Howe... Sir Edwin Arnold trong Ánh Sáng Á Châu (The light of Asia) đã khẳng định rằng: "Tôi thường nói và tôi sẽ nói hoài là giữa Phật giáo và khoa học tân tiến, có một mối ràng buộc trí thức gần gũi". Albert Einstein, người khai nguyên thuyết tương đối đã nhiệt thành ca ngợi tính siêu việt của Phật Giáo: "Nếu có một tôn giáo nào thích nghi với những nhu cầu của khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo. Phật Giáo không cần xét lại quan điểm của mình, để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật Giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật Giáo bao gồm khoa học, đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật Giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật Giáo, đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao, nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật Giáo siêu việt thời gian và mãi mãi có giá trị". Thế sự vô thường, thì sinh diệt là lẽ tự nhiên:

"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"

Đại ý:

"Người đời ai thoát tử sinh
Khác nhau sự nghiệp sử xanh lưu truyền"

Khi tuổi thọ 80, cơ duyên giáo hóa viên mãn, giáo pháp Ngài phổ biến rộng sâu, đệ tử Ngài rất nhiều vị đạo cao đức trọng, thần thông trí tuệ siêu phàm, mùa trăng tròn ứng với tháng hai âm lịch, Ngài cùng với đại chúng đến xứ Câu Ly, vào rừng Ba La Nại cho treo võng dưới đôi cây Sa La, ngồi nhập định và thuyết pháp lần cuối. Ngài phú chúc cho Tăng đoàn, Giáo hội và trao truyền y bát cho đức Ca Diếp tiếp tục sứ mạng xiển dương Phật Pháp, phổ độ chúng sanh, rồi Ngài an nhiên nhập Niết Bàn.

Sau khi Như Lai thị tịch, dân trong vùng thuộc bộ tộc Mạt La (Malla) chạy đến cùng chung với giáo đoàn tắm rửa, tẩm liệm và làm lễ Trà Tỳ (hỏa thiêu). Phần di cốt của Phật gọi là ngọc Xá Lợi, được bộ tộc Mạt La xin ưu tiên bảo trì, trong lúc 8 vị Quốc vương các nước thuộc lưu vực sông Hằng cử đại binh đến Câu Thi Na quyết tranh giành Xá Lợi. Vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà là Quốc vương hùng mạnh nhất đương thời, mộng thấy tam tinh bị mây đen bao phủ, địa cầu như ngừng xoay, nhà vua thân dẫn một phái đoàn đến thỉnh an Phật, thấy sự việc xảy ra, vua A Xà Thế phải điều giải và tất cả thuận phân chia ngọc Xá Lợi, để mỗi Quốc vương thỉnh một phần về xây tháp phụng thờ. Nhờ vậy mà nay ngọc Xá Lợi Phật và chư Đại Bồ Tát hiện còn một ít, được Quốc vương các nước trao tặng cho nhau làm Pháp Bảo, đón rước phụng thờ tại các nước Phật Giáo, hay được lưu giữ làm Quốc bảo tại nhiều quốc gia khác.

Qua nhiều truyện tích cho ta thấy:
- Đồng thời với Như Lai có vua A Xà Thế, 2 thế kỷ sau Đức Phật, có vua A Dục... là những vị vua rất kiêu hùng và đồ sát, nhờ thấm nhuần Phật Pháp mà trở thành những triều đại hoàng kim vương trị, hay đã chấn chỉnh nhiều chính sự cần thiết.
- Ở Trung Quốc và Việt Nam, nhờ ảnh hưởng Phật Pháp đã un đúc nên nhiều vị minh quân lương tướng, xuất hiện những bậc danh tăng thạc đức và nhiều tín đồ uyên thâm Phật Pháp, thuần lương trung dũng, nêu cao tinh thần yêu nước thương dân chấn hưng đạo pháp, phục vụ nhân sinh, lưu lại nhiều nét son trong lịch sử. Cuộc đời vua
Trần Nhân Tông (1279-1293) giống hệt nếp sống của Đức
Thích Ca Như Lai.
Sau khi nhà vua xuất gia tu ở Yên Tử Sơn (huyện Hưng
Yên, tỉnh Quảng Yên, Việt Nam) được suy tôn làm Điều Ngự Giác Hoàng, là vị tổ thứ nhất phái Trúc Lâm đời Trần. Ngài có rất nhiều đệ tử, đặc biệt có Ngài Pháp Loa và Huyền Quang là hai vị danh tăng lỗi lạc, chứng thành đạo quả, được tôn xưng là Trúc Lâm Tam Tổ.
Đạo Phật lấy tinh tấn, hỷ xả, thanh tịnh, trí tuệ và từ bi làm căn bản, lại đề cao tánh bình đẳng vị tha... nên hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Đức Phật dạy "Vì chúng sinh ta thị hiện". Kinh tịch cũng đã ghi "con người có 3 điều hy hữu":

- Được một vị Phật ra đời là hy hữu.
- Có một giáo lý cao minh là hy hữu.
- Được tái sinh làm người là hy hữu.

Hiện tại chúng ta gặp phước duyên lớn, gần như hội đủ 3 điều hiếm có nói trên:

* Tuy Đức Thích Ca Như Lai nhập Niết Bàn đến nay đã 2550 năm, nhưng Ngài là vị Phật đã ứng thân trên tinh cầu của chúng ta. Giáo sử Phật Giáo cũng như lịch sử nhân loại đều ghi nhận Ngài là một siêu nhân hiện hữu trên trái đất. Qua lần Đản Sinh tại hoa viên Lâm Tỳ Ni, rồi Ngài xuất gia tầm đạo, tu chứng quả vị Bồ Đề, hàng phục nội ma ngoại chướng thuyết pháp độ sanh ròng rã 49 năm trường. Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, Ngài Ca Diếp đã nhiều lần tổ chức kiết tập kinh điển, lưu di 3 tạng thánh giáo hiện hữu khắp chốn cùng nơi, được phiên dịch rất nhiều thứ tiếng, nên Như Lai tượng trưng cho Đức Phật vào thời hữu sử của thế nhân.

* Giáo lý của Phật có từ thời mịt mù của văn minh nhân loại, nhưng đã hướng dẫn sinh linh trên đường tu thân hành thiện. Năm giới luật của hàng sơ cơ học Phật đã đi trước luật lệ hiện hành của con người tiến bộ khắp năm châu:

- Không sát hại sinh linh.
- Không trộm cắp và lấy của phi nghĩa.
- Không say đắm dục lạc thế nhân, không chấp nhận đa phu, đa thê.
- Không đam mê rượu chè, bài bạc và nghiện ngập các chất ma túy.
- Không nói dối, hay nói điều bất chính có thể vo tròn bóp méo sự thật.

Đạo Phật chủ trương "Lấy trí tuệ làm sự nghiệp - Đem tình thương xóa bỏ hận thù" thật thậm thâm vi diệu, từ ái cực thuần, bình đẳng tuyệt đối..., nhờ vậy giáo lý Phật giáo đã thích ứng với đủ hạng người trên trái đất, phát sinh lời tán dương tha thiết chân thành: "Cây bồ đề đang vươn lên trên đất lạ!".

* Do giáo lý Phật Đà, chúng ta đã thấy được làm thân người với lục căn thông lợi, tam nghiệp thuần hòa là điều hy hữu và nhân phẩm nhân quyền là tối thượng. Từ con người, chúng ta cần tu tiến để vươn lên, do đó con người đạt đến Chân-Thiện-Mỹ, tránh xa 3 đường dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Có thể tôn giáo đã góp phần thuần lương hóa con người nên thế nhân mới nghĩ rằng chùa
chiền, giáo đường, thánh thất... là những điểm tựa về tâm linh và đó cũng là nguồn gốc văn hóa cố hữu của con người, nên 2 câu thơ của Thiền sư Mãn Giác sau đây cũng thêm phần chính đáng:

"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông"

Mùa kỷ niệm Đản Sinh Đức Như Lai Thế Tôn lại về, bức thông điệp tình thương và chân lý thêm một lần nữa được nhân loại trân trọng đón mừng, sinh linh ngưỡng vọng:

"Sáng nay lên chùa lễ Phật Mừng ngày Phật Đản tháng Tư Ngày Rằm thiêng liêng lịch sử Phật về trên đỉnh chân như".
(Trần Quê Hương)

Ôn lại phần nào lịch sử của Ngài, ta thấy ân đức của Phật đối với chúng sinh thật sâu xa diệu vợi, tán thán khó cùng. Ngài đã tu chứng quả vị giải thoát qua nhiều A tăng kỳ kiếp, nhưng Ngài còn phải có mặt trên tinh cầu này để phổ độ chúng sinh. Với cương vị Thái Tử, Ngài đã xem nhẹ phú quý vinh hoa nhất trên đời, dấn thân tầm đạo nơi thâm sơn tuyết lãnh. Khi thành Phật, Ngài vẫn áo vải chân đất vân du hóa độ thập phương thiện tín, Ngài sống theo phép lục hòa với môn đồ tứ chúng, mặc dù Phụ
vương và triều đình thiết tha mời gọi hồi triều, các vị Quốc vương, Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà đều phát nguyện quy y, lập các tịnh xá cúng dường, Ngài chỉ dùng làm phương tiện hoằng hóa với mục đích lợi đạo ích đời, rồi tha phương hóa độ theo nhu cầu của thế nhân. Do đó giờ chúng ta cúng dường lễ bái đức Phật là thể hiện tập quán mỗi nơi, chỉ có "Pháp Cúng", tức là tìm hiểu và thực thi giáo pháp của Như Lai, để "trên đền 4 ân nặng, dưới cứu khổ muôn loài" mới là điều cần thiết.

Phật Pháp cao thâm, phàm tâm hữu hạn, nhân dịp kỷ niệm ngày trọng đại của Phật Giáo, chúng tôi xin thành kính đốt nén tâm hương dâng lời cầu nguyện Phật Pháp trường lưu - Nhân sinh an lạc.

Giáo sử còn đó, Pháp Bảo hiện hữu khắp nơi, mong được các bậc cao minh, quý đồng hương, thiện hữu sưu tra tìm hiểu, phát hiện những gì ưu việt của đấng siêu nhân đã hướng đạo sinh linh trên đường Chân-Thiện-Mỹ, tức là cùng nhau bảo tồn tinh hoa nhân loại, lưu di cho nhiều thế hệ tương lai.-
Trân trọng,
Lần cập nhật cuối ( ngày 18, tháng 09, năm 2006 )
< Trước Tiếp >
http://www.viengiac.de/vn/index.php?option=com_content&task=view&id=39&Itemid=50

No comments:

Post a Comment